“Bữa ăn chan nước mắt”

Hoàng Hương
Nhiều người, nhất là bậc cha mẹ, đã choáng khi đọc bài viết “Hành hạ trẻ mầm non” trên Tuổi Trẻ ngày 17-12 (clip trên tuoitre.vn). Những đứa trẻ thơ đã bị đánh đập, bị đày đọa một cách tàn bạo. Bữa ăn của các cháu chan đầy nước mắt với những tiếng thét đau đớn và sợ hãi.


Còn nhớ năm 2008, cả nước rúng động bởi sự kiện “bảo mẫu” Quản Thị Kim Hoa hành hạ các cháu mầm non tại nhóm trẻ do gia đình mình lập ra. Giờ ăn của các cháu là một cực hình với những cái tát của bà Hoa. Năm năm sau, lại thêm một sự kiện tương tự khiến dư luận “nổi sóng”.

Cả hai vụ việc đau lòng trên đều có mẫu số chung là xảy ra tại nhóm trẻ gia đình. Cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, họ đã giám sát, quản lý như thế nào mà lại để xảy ra tình trạng như vậy?

Nhóm trẻ gia đình thuộc UBND phường, xã quản lý (theo “Điều lệ trường mầm non” của Bộ GD-ĐT). Nhóm trẻ Phương Anh hoạt động gần một năm nay trên địa bàn phường Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức, TP.HCM), giữ đến 22 học sinh mà UBND phường không biết thì thật vô lý. Cũng như vụ Quảng Thị Kim Hoa, chỉ đến khi việc đau lòng xảy ra, khi phương tiện truyền thông đăng tải thì cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Người mẹ nào cũng mong con mình được học ở ngôi trường đàng hoàng, được cô nuôi dạy trẻ chăm sóc chu đáo và yêu thương. Thế nhưng, điều đau lòng là xã hội chưa tạo điều kiện cho phụ huynh được chọn ngôi trường an toàn cho trẻ.

Hãy nhìn lại hệ thống giáo dục mầm non mà xem: chưa có trường mầm non công lập nào nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi trong khi sinh con được 6 tháng, người mẹ đã phải đi làm theo Luật lao động. Các trường mầm non công lập đang phải chịu cảnh quá tải từ nhiều năm qua, nhất là ở đô thị.

Tình trạng này khiến số chỗ dành cho lứa tuổi nhà trẻ (từ 12 - 35 tháng tuổi) ngày càng teo tóp dần trong trường công lập. Cái gì hiếm thì thường rất khó. Thế nên, việc xin được chỗ học cho con em trong trường công lập không phải dễ. Khi trường công lập (có mức học phí ưu đãi vì được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước) không nhận, phụ huynh chỉ còn một cách: gửi con ở trường, nhóm, lớp ngoài công lập.

Theo ngành GD-ĐT, chất lượng chăm sóc, giáo dục ở nhóm trẻ gia đình là thấp nhất so với lớp mầm non tư thục hoặc trường mầm non tư thục. Kinh tế khó khăn, phụ huynh bấm bụng gửi con tại nhóm trẻ gia đình, thường có mức phí thấp, dù có nhiều điều không ưng cũng là dễ hiểu.

Nhưng phí thấp không có nghĩa là trẻ phải chịu đày đọa, đánh đập kiểu tra tấn. Không để bạo hành chen chân vào nơi giữ trẻ, cần phải có sự giám sát, kiểm tra. Thế nhưng ngành GD-ĐT gần như “bất lực” do cơ chế quản lý nhóm trẻ đang tồn tại nhiều bất cập (việc cấp phép cho nhóm trẻ được giao cho UBND phường, xã; còn các phòng GD-ĐT quận, huyện chỉ quản lý về chuyên môn). Và các nhóm trẻ không phép, không đạt những tiêu chuẩn tối thiểu của ngành GD-ĐT vẫn ngang nhiên hoạt động.

Phải có ngay giải pháp để chấm dứt những “bữa ăn chan nước mắt”, loại bỏ nguy hiểm về thể xác và tinh thần cho trẻ. Bao giờ trẻ được an toàn, câu hỏi nhức nhối cần phải có lời kết.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Chào mừng bạn đến với Sáng kiến kinh nghiệm hay.Nếu bạn thấy nguồn sưu tập này có ích, hãy chia sẻ với bạn bè lên Facebook, google ... Trân trọng cám ơn

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã phản hồi