Bộ GD&ĐT Sẽ không đủ nhân lực phê duyệt đề án tuyển sinh mới?

Thiết nghĩ, ở một số nước có nền khoa học phát triển, trước khi tiến hành bất kỳ một thí nghiệm nào với người hay động vật, dù với số lượng nhỏ, các nhà khoa học cũng phải chờ vài tháng, thậm chí đến cả năm để được thẩm định xem thí nghiệm đó có làm ảnh hưởng tới đối tượng nghiên cứu hay không.
Trong trường hợp này, dường như Bộ đang vội vã làm “thí nghiệm” với hàng triệu người mà lại thiếu thời gian thích hợp để cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Nếu trong trường hợp cả hơn 400 trường đại học, cao đẳng cùng nộp Đề án tuyển sinh riêng thì liệu Bộ có đủ nhân lực để xem xét phê duyệt trong thời gian rất gấp rút? Và đến bao giờ thí sinh mới có thể biết chắc mình sẽ được kiểm tra những gì trong trường hợp dự thi vào những trường sẽ tổ chức thi riêng để chuẩn bị?

Ba băn khoăn với phương án tuyển sinh mới
Một phương án tuyển sinh mới, thoả mãn mục tiêu “chất lượng” tốt hơn, trong đó, quyền tổ chức thi lại được trả lại cho trường đại học; đồng thời, thay vì tập trung kiểm tra kiến thức theo 3 môn thi như hiện nay, thí sinh sẽ được kiểm tra năng lực toàn diện với hình thức thi không chỉ bó hẹp với việc làm bài kiểm tra, mà còn bao gồm cả xét tuyển, phỏng vấn đã được một số đại học, đặc biệt là những đại học hàng đầu như ĐHQG Hà Nội nghiên cứu và đề xuất[i] trong một vài năm trở lại đây.
Có thể nói phương án này đã đến gần hơn với cách thức tuyển sinh mà các đại học quốc tế đang áp dụng và về mặt dài hạn, có vẻ như cũng được các nhà hoạch định chính sách ủng hộ.
Bằng chứng là trong Luật Giáo dục đại học ban hành tháng 6.2012 hay trong Nghị quyết về đổi mới  căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo do TW Đảng ban hành trong tháng 11 vừa qua cũng đều nhắc đến việc đổi mới tuyển sinh kể trên. 
Bộ cần tự làm rõ điều này trước khi yêu cầu các trường viết Đề án thì sẽ đảm bảo “chất lượng” của việc triển khai tuyển sinh mới ngay từ những bước đầu tiên. 
Vấn đề là quy trình thực hiện ra sao vẫn là một mối băn khoăn đối với những người quan tâm đến giáo dục, cho đến ngày 12.12 vừa qua, khi Bộ họp báo công bố Dự thảo tuyển sinh mới, dự kiến áp dụng từ năm 2014, mà người viết bài này xin tạm gọi là phương án “3 lựa chọn”[ii]. Tuy vậy, có lẽ sau khi biết thêm thông tin, thì những người quan tâm, trong đó có người viết bài này lại có phần thêm “băn khoăn”[iii].
Băn khoăn thứ nhất liên quan đến mục tiêu đảm bảo “chất lượng” đối với những trường quyết định không chọn kỳ thi 3 chung mà theo phương án riêng (hoặc thực hiện chung với một số trường khác).
Qua thông tin trên báo chí, ngoài những yêu cầu hướng tới đảm bảo tính “tin cậy” như “không được phát sinh tình trạng cá nhân, tổ chức của trường đứng ra luyện thi… không để xảy ra tiêu cực”, vẫn chưa có nhiều hướng dẫn cụ thể, tiêu chí khả đo của Bộ liên quan đến việc đảm bảo các kỳ thi do các trường tự tổ chức sẽ đảm bảo tính “chính xác” cao.
Có lẽ Bộ cần tự làm rõ điều này trước khi yêu cầu các trường viết Đề án thì sẽ đảm bảo “chất lượng” của việc triển khai tuyển sinh mới ngay từ những bước đầu tiên.
Băn khoăn thứ hai vừa liên quan đến mục tiêu “hiệu quả”, vừa liên quan đến mục tiêu “bình đẳng cơ hội”. Với kỳ thi 3 chung trước đây, thí sinh trượt ở nguyện vọng 1, có thể nộp hồ sơ nguyện vọng 2,3 để xét tuyển vào trường khác, ngành khác.
Thậm chí, cùng với việc áp dụng tín chỉ đang dần được phổ biến, sinh viên còn có thể chuyển trường trong quá trình học trong trường hợp cần thiết (một thực tiễn rất phổ biến và bình thường trên thế giới) nếu trong trường hợp điểm thi đại học của sinh viên đó cao hơn điểm trúng tuyển của trường mới trong cùng năm thi.
Những quy định trên đã góp phần nâng cao tính “hiệu quả” và “bình đẳng cơ hội” cho sinh viên. Tuy vậy, với quy định trong Dự thảo mới, “khi các trường thi riêng thì không sử dụng kết quả thi 3 chung để xét tuyển, kết quả thi vào trường này không được dùng để xét vào trường khác vì đề thi khác nhau” – Bộ dường như đang “đi thụt lùi” trong việc giải quyết 2 mục tiêu này.
Băn khoăn thứ ba của người viết bài này khai thác một khía cạnh khác ở mục tiêu “hiệu quả” hay cụ thể là tính “khả thi” của việc triển khai phương án tuyển sinh mới cho năm 2014 tới. 
2 triệu thí sinh và gia đình cũng đang “khóc” vì thấp thỏm, hơn 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước chắc cũng đang “gần khóc” để lựa chọn phương án theo Dự thảo của Bộ. 
Như Bộ cũng đã công bố, bản phương án tuyển sinh hôm 12.12 cũng mới chỉ là bản dự thảo, trong khi đó Bộ lại yêu cầu các trường, với những hướng dẫn thiếu chi tiết phải nộp Đề án tuyển sinh riêng vào ngày 10.2, tức là trong vòng chưa đến 2 tháng tới, vào thời điểm giáp Tết và kết thúc học kỳ 1; người viết bài này băn khoăn liệu các trường có kịp thời gian để hoàn thành? Và ngay cả trong trường hợp các trường hoàn thành đúng hạn thì cho đến bao giờ Bộ mới phê duyệt (hoặc không phê duyệt) xong hết các Đề án?
Nếu trong trường hợp cả hơn 400 trường đại học, cao đẳng cùng nộp Đề án tuyển sinh riêng thì liệu Bộ có đủ nhân lực để xem xét phê duyệt trong thời gian rất gấp rút? Và đến bao giờ thí sinh mới có thể biết chắc mình sẽ được kiểm tra những gì trong trường hợp dự thi vào những trường sẽ tổ chức thi riêng để chuẩn bị?
Chính Bộ cũng sẽ phải “khóc”…
Khi thông tin về họp báo của Bộ mới được công bố trên báo chí hôm 12.12, người viết bài này đọc được một phản hổi của một em học sinh lớp 12 trên mạng với nội dung rất ngắn gọn “tôi đã khóc khi đọc tin này”.
Đến giờ này thì có lẽ không chỉ một mình em học sinh đó, mà cả 2 triệu thí sinh và gia đình cũng đang “khóc” vì thấp thỏm, hơn 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước chắc cũng đang “gần khóc” để lựa chọn phương án theo Dự thảo của Bộ.
Thiết nghĩ, ở một số nước có nền khoa học phát triển, trước khi tiến hành bất kỳ một thí nghiệm nào với người hay động vật, dù với số lượng nhỏ, các nhà khoa học cũng phải chờ vài tháng, thậm chí đến cả năm để được thẩm định xem thí nghiệm đó có làm ảnh hưởng tới đối tượng nghiên cứu hay không.
Trong trường hợp này, dường như Bộ đang vội vã làm “thí nghiệm” với hàng triệu người mà lại thiếu thời gian thích hợp để cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.
Người viết bài này chỉ sợ nếu tiếp tục triển khai như Dự thảo đã công bố, chỉ trong thời gian ngắn sắp tới, chính Bộ cũng sẽ phải “khóc” để đi giải quyết những hệ quả không đáng có do chính Bộ gây ra vì vội vàng triển khai mà trong bài viết này mới chỉ nêu lên được một phần.
Trên cơ sở đó, người viết bài này mạnh dạn đề xuất một phương án “hiệu quả” và “khả thi” nhất có thể là Bộ và các trường vẫn tiến hành trình và phê duyệt đề án tuyển sinh mới nhưng việc thực hiện nên lùi lại ít nhất 3 năm để các trường có thời gian cần thiết để chuẩn bị kỹ lưỡng phương án tuyển sinh mới hài hoà ở mức tối đa 3 mục tiêu như đã nêu ở trên; và nhất là các thí sinh sẽ có thời gian đủ để biết mình sẽ được đánh giá như thế nào và theo hình thức nào để chuẩn bị.
Phạm Hiệp
Nghiên cứu sinh, Khoa quản trị kinh doanh, Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan

[i] Xem: http://www.vnu.edu.vn/btdhqghn/?C2147/N12239/doi-moi-phuong-thuc-tuyen-sinh-tiep-can-chuan-muc-quoc-te.htm
[ii] Xem: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-duc/cac-dai-hoc-cao-dang-tu-chu-tuyen-sinh-tu-nam-2014-2922749.html
[iii] Cho đến nay, ngoài những thông tin do báo chí tường thuật lại, chúng ta vẫn không thể truy cập được bản gốc của Dự thảo quy chế tuyển sinh mới. Điều này có phần hơi bất thường vì từ một vài năm nay, Bộ đã mở một mục rất hữu ích trên website http://www.moet.gov.vn trong đó đăng tải toàn bộ các văn bản dự thảo qua đó người dân có thể truy cập và góp ý trực tiếp cho Bộ. Tuy vậy, cho đến ngày hôm nay, tức là đúng 1 tuần sau khi Bộ họp báo, vẫn chưa có dự thảo tuyển sinh mới được đăng tải trên website nói trên. Vì vậy, những phân tích tiếp theo của người viết bài này hoàn toàn chỉ có thể dựa trên tài liệu thứ cấp từ báo chí.
----------------------------------------------------------------------------------------------
Chào mừng bạn đến với Sáng kiến kinh nghiệm hay.Nếu bạn thấy nguồn sưu tập này có ích, hãy chia sẻ với bạn bè lên Facebook, google ... Trân trọng cám ơn

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã phản hồi