Phương án tuyển sinh mới: Khó thoả mãn cùng lúc 3 mục tiêu cơ bản của giáo dục

Để có thể  giải quyết 3 mục tiêu “chất lượng”,  “hiệu quả” và “bình đẳng cơ hội”, cần nhiều chính sách đồng bộ, nhất quán, và hài hoà mà trong đó từng quy định, chương trình chỉ có thể giải quyết được một hoặc hai vấn đề.



Như vậy, sau nhiều đồn đoán, dự định và trì hoãn, cuối cùng Bộ GD-ĐT quyết định cải cách kỳ thi 3 chung bằng việc công bố Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh đại học, cao đẳng chiều 12.12 vừa qua. Tuy vậy, phương án Bộ đưa ra đang vấp phải nhiều dư luận trái chiều, ủng hộ có, phản đối có, lo lắng có, lạc quan có. 
Bài viết này xin góp thêm một ý kiến phân tích về kỳ thi “3 chung” trong những năm qua cũng như phương án “3 lựa chọn” mà Bộ đã vừa đề xuất, nhìn từ 3 mục tiêu cơ bản của giáo dục đó là (1) “chất lượng”,  (2) “hiệu quả” và (3) “bình đẳng cơ hội”.
Thỏa mãn mục tiêu này gây ảnh hưởng mục tiêu khác
3 mục tiêu trên từ lâu đã được các nhà khoa học lưu ý và khuyến nghị các nhà hoạch định trong việc ra chính sách liên quan đến giáo dục trong mọi cấp độ, từ mầm non đến sau đại học, và trong mọi văn bản, quy định – mà việc tuyển sinh đại học cũng là một phần trong đó.
Khái niệm chất lượng của một kỳ thi
Trong lĩnh vực kiểm tra đánh giá, một kỳ thi, hay một phép đo,  một phép đánh giá, dù trong lĩnh vực nào, như tuyển sinh đại học trong giáo dục; thi lấy bằng lái xe trong giao thông hay xét nghiệm máu trong y tế, muốn được gọi là đạt “chất lương” thì phải thoả mãn 2 tiêu chí: “chính xác” (validity) và “tin cậy” (reliability).
Trong đó một phép đo “chính xác” là phép đo đo được cái cần đo. Ví dụ như nếu dung một bài thi tuyển chọn học sinh giỏi với nhiều câu hỏi đánh đố (nhằm phát hiện tài năng) để cho học sinh bình thường thi tốt nghiệp phổ thông thì dù câu hỏi có hay đến mấy cũng không thể nói là có một phép đo “chính xác”.
Sau khi đã đạt được độ “chính xác”, phép đo sẽ được gọi là “tin cậy” nếu như nó cho kết quả giống nhau trong các lần đo khác nhau.
Ví dụ như với một kỳ thi đại học đạt độ “tin cậy” tức là với 2 ứng viên khác nhau nhưng có trình độ như nhau thì sẽ phải đạt được cùng một kết quả trong một bài thi như nhau; hay cũng một ứng viên đó làm 2 bài thi có độ “tin cậy” được cho là như nhau thì phải cùng cho ra kết qua giống nhau.
Tuy vậy, các nhà khoa học cũng thừa nhận việc cùng một lúc thoả mãn được cả 3 mục tiêu là điều vô cùng khó khăn; bởi nhiều lúc một chính sách, quy định chỉ có thể hướng tới một mục tiêu này mà bỏ qua mục tiêu kia; thậm chí chỉ thoả mãn được mục tiêu này thì có thể lại có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu kia và ngược lại.
Ví dụ như chương trình tín dụng sinh viên 157 được nước ta triển khai từ năm 2007 đã góp phần giúp sinh viên thuộc diện khó khăn có cơ hội được đi học đại học (mục tiêu 3 – bình đẳng cơ hội) nhưng lại chưa tính đến các phương án hỗ trợ sinh viên sau khi ra trường cơ hội việc làm để có thể trả nợ (chưa tính đến mục tiêu 2 – hiệu quả).
Hay như tại Trung Quốc, khi Chính phủ nước này quyết định đầu tư hàng tỷ đô la nhằm nâng cấp 9 trường đại học trọng điểm ở nước này đạt đẳng cấp quốc tế theo đề án 985 vào năm 1998, nước này dường như đã nhắm đến mục tiêu 1 (chất lượng) và đồng thời lại làm ảnh hưởng tới mục tiêu 3 (bình đẳng – những sinh viên thuộc đề án được ưu tiên đầu tư hơn các sinh viên khác).
Nói cách khác, để có thể  giải quyết 3 mục tiêu “chất lượng”,  “hiệu quả” và “bình đẳng cơ hội”, cần nhiều chính sách đồng bộ, nhất quán, và hài hoà mà trong đó từng quy định, chương trình chỉ có thể giải quyết được một hoặc hai vấn đề.
Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách theo thời gian để nhằm đạt được những hiệu quả tức thời, phù hợp với tình hình, hoàn cảnh và bối cảnh cụ thể cũng là hoạt động bình thường trong thực tiễn quản lý nhà nước nói chung và trong ngành giáo dục nói riêng.
Quay trở lại với kỳ thi tuyển sinh đại học ở nước ta, cho đến trước năm 2002, các trường đại học vẫn được quyền tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh một cách riêng rẽ.
Tuy vậy, ở thời điểm đó, mô hình thi này này vấp phải 2 vấn đề liên quan đến “chất lượng” (mục tiêu 1- bao gồm tính “chính xác và “tin cậy”. 
Cụ thể như sau: một là, các trường ngoài công lập, chủ yếu mới được thành lập cuối những năm 1990 phần lớn không đủ năng lực đủ khả năng ra đề thi có độ “chính xác” cao; hai là việc các trường tự tổ chức tuyển sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh gian lận, lộ đề, qua đó làm giảm tính “tin cậy” của kỳ thi.
Trong bối cảnh đó, việc Bộ “thu hồi” lại quyền tổ chức kỳ thi của các trường để thay thế bằng kỳ thi 3 chung với nội dung đồng nhất cho các khối thi, quy trình bảo mật tin cậy, đã cơ bản giải quyết được bức xúc về mặt “chất lượng” nói trên.
Để có thể  giải quyết 3 mục tiêu “chất lượng”,  “hiệu quả” và “bình đẳng cơ hội”, cần nhiều chính sách đồng bộ. (Nguồn ảnh: Petrotimes)
Những bất cập với “thi 3 chung”
Tuy vậy, qua một vài năm thực hiện, kỳ thi 3 chung cũng đã nảy sinh một số bất cập mới:
Thứ nhất là về tính “hiệu quả”, thi “3 chung” gây nên hiện tượng “thí sinh ảo” tăng đột biến, và từ lâu đã bị phàn nàn là gây tốn kém nguồn lực. Và mặc dù Bộ đã có những điều chỉnh nhất định ví dụ như thay vì yêu cầu thí sinh lựa chọn các trường dự tuyển theo các nguyện vọng 1,2,3 như những năm đầu của thi 3 chung, về sau, Bộ tổ chức xét tuyển thêm vòng 2, thậm chí là vòng 3 nhằm giảm thiểu tình trạng “thí sinh ảo”, qua đó góp phần giảm chi phí không cần thiết. Tuy vậy, với việc lượng thí sinh ngày càng đông (khoảng 2 triệu thí sinh trong những năm gần đây), việc tổ chức thi 3 chung (lại chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn) vẫn gây rất nhiều tốn kém cho nhà nước và nhân dân.
Thứ hai, trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam bùng nổ về quy mô một cách nhanh chóng trong hơn một thập kỳ vừa qua (số lượng người ở độ tuổi đi học đại học tăng từ khoảng 10% đầu những năm 2000 lên tới 20% vào đầu những năm 2010), dường như “chất lượng” của kỳ thi 3 chung, đặc biệt về tính “chính xác” không còn được như trước đây nữa.
Thật vậy, nếu nhìn rộng hơn thì việc nhiều thí sinh cùng học một ngành, học chung với nhau nhiều tín chỉ, cả bắt buộc lẫn lựa chọn, nhưng lại thi đầu vào từ 2 khối khác nhau (A hoặc D, thậm chí A với C); thì rõ ràng, quy trình đảm bảo chất lượng đào tạo cho 4,5 năm học của một chương trình đã có “vấn đề” ngay từ bước đầu tiên là tuyển sinh đầu vào.
Tuy vậy, hiện tượng kể trên có vẻ như đang rất phổ biến, đặc biệt ở các ngành “hot” như kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh, ngân hàng …
Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ việc nhu cầu của người học tang quá nhanh trong khi tốc độ phát triển của đội ngũ giảng viên tại các trường đại học. Nói cách khác, tính “chính xác” (hay chất lượng) có thể được đảm bảo nếu xét riêng rẽ của từng kỳ thi tuyển sinh đầu vào theo từng khối, nhưng tính “chính xác” (hay chất lượng) cho cả quá trình học của một sinh viên chắc chắn sẽ khó được đảm bảo nếu vẫn giữ cách thi 3 chung như hiện nay.
Phạm Hiệp
----------------------------------------------------------------------------------------------
Chào mừng bạn đến với Sáng kiến kinh nghiệm hay.Nếu bạn thấy nguồn sưu tập này có ích, hãy chia sẻ với bạn bè lên Facebook, google ... Trân trọng cám ơn

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã phản hồi