Chúng tôi nói về chúng tôi: Chọn nghề, hết dạ với nghề


“Em nghĩ mỗi công việc đều phù hợp với mọi người. Chỉ có khác là mình chọn việc đó hay không và khi chọn rồi thì có hết dạ cống hiến hay không mà thôi”.
Riêng em chọn lối này…

Chọn nghề,  hết dạ với nghề

Thầy giáo Đoàn Văn Minh (Trường Mầm non Đông Mai – thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) nói: “Em nghĩ mỗi công việc đều phù hợp với mọi người. Chỉ có khác là mình chọn việc đó hay không và khi chọn rồi thì có hết dạ cống hiến hay không mà thôi”.
Riêng chọn lối này…
Bố mẹ Minh làm nghề nông và rất ủng hộ khi con trai chọn học ngành mẫu giáo dù nhiều người vẫn cho là công việc này chẳng sang trọng gì.
Cũng không ít người biết chuyện đã chê bai “cái nghề mầm non thì chả làm nên cơm cháo gì”, nhưng với Minh và mọi người trong nhà thì đó là nghề cao quý nhất. Học xong Cao đẳng Sư phạm, Minh may mắn được về công tác tại ngôi trường mầm non gần nhà. Từ năm 1999 đến nay, hầu như năm nào Minh cũng “có duyên” được dạy trẻ khuyết tật.
Là giáo viên được dự nhiều lớp tập huấn về kỹ năng dạy trẻ khuyết tật học giáo dục hội nhập theo các dự án nên với Minh việc tiếp nhận trẻ khuyết tật không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Minh coi đây là cơ hội để ứng dụng những kiến thức đã thu nạp được và giúp trẻ khuyết tật đỡ thiệt thòi. Địa bàn tuyển sinh của Trường Mầm non Đông Mai cũng có nhiều trẻ khuyết tật với nhiều dạng tật. Khó khăn nằm ngay trong nhận thức của người dân và cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hòa nhập của nhà trường còn nhiều thiếu thốn.
Thương con nhưng phụ huynh trẻ khuyết tật rất mặc cảm, họ nghĩ trẻ khuyết tật thì làm được gì mà phải đi học? Với từng trường hợp, Minh lại tìm một cách riêng để thuyết phục.
Minh đem hết kiến thức, kinh nghiệm và cả tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, mến trẻ thuyết phục phụ huynh. Những cố gắng ấy của Minh đã làm thay đổi nhận thức của rất nhiều phụ huynh cũng như của cộng đồng về trẻ khuyết tật.
Bằng những kiến thức chuyên môn được đào tạo và kinh nghiệm đã tích lũy được từ bạn bè đồng nghiệp sau những khóa tập huấn, giao lưu ở những địa phương thí điểm dạy giáo dục hòa nhập, Minh xây dựng cho mình một kế hoạch làm việc cụ thể.
Bản kế hoạch của Minh cụ thể, chi tiết theo tuần, theo tháng và cả năm học. Minh chia sẻ: Các mục tiêu, nội dung và hoạt động cụ thể trong giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập tại lớp học được tập trung theo từng thời điểm. Kế hoạch tuần phải xây dựng cụ thể từng ngày dạy cho trẻ và dạy trẻ ở nội dung nào, dạy trẻ cái gì và dạy như thế nào.
Vì trẻ khuyết tật rất khó tiếp thu, một nội dung dù có đơn giản và đã được lựa chọn phù hợp vẫn phải dạy đi dạy lại nhiều lần trẻ mới hiểu được.
Tùy từng loại tật, trẻ khiếm thính, khiếm thị hay thiểu năng trí tuệ, mình phải kết hợp với cha mẹ trẻ khuyết tật để cùng luyện tập và giáo dục trẻ ở trường, ở nhà sao cho có hiệu quả. Còn trên lớp, bằng cách cho trẻ hoạt động nhóm để các cháu bình thường giúp đỡ bạn.
Việc dạy trẻ khuyết tật trong môi trường học hòa nhập và hướng trẻ vào hoạt động nhóm rất khó vì trẻ bình thường không thích chơi với trẻ khuyết tật.
Muốn làm được điều đó thì giáo viên vừa là người hướng dẫn, vừa là cầu nối tin cậy cho các con. Điều này đòi hỏi giáo viên phải kiên trì giải thích, thuyết phục trẻ bình thường chia sẻ, đoàn kết với nhau, vừa đả thông tư tưởng để phụ huynh thay đổi, cảm thông hợp tác, không xui con tránh xa bạn khuyết tật; đồng thời luôn theo sát, khích lệ, dành cho trẻ khuyết tật trọn vẹn tình yêu thương mới hướng lớp học vào quỹ đạo của mình.
Thủy chung và cống hiến
Thấy tôi băn khoăn về những sự không thuận lợi của một thầy giáo mầm non, Minh chân thành bộc bạch: Làm việc ở trường gần nhà thì thuận tiện cho việc đi lại, được mọi người tin tưởng nhưng cũng có nhiều vấn đề phát sinh phải khéo léo trong ứng xử và giải quyết.
Vì đều là người “trong xóm ngoài thôn” nên phụ huynh mỗi khi bận rộn hay “nhờ thầy” đưa con đi học và đón về hộ. Phụ huynh bức xúc việc gì đó với đồng nghiệp ở lớp khác nhưng mình đều phải nghe và thay đồng nghiệp giải đáp, giải tỏa…
Công việc mà nhiều nam giới ngại, cho là khó khăn, nhất là trong lớp lại có trẻ khuyết tật, nhưng Minh lại say mê và gặt hái được nhiều thành công.
Tìm hiểu ra thì việc ca hát, nhảy múa không có gì “khó thể hiện” vì Minh vốn có tố chất văn nghệ từ nhỏ. Từ thời học sinh, Minh rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, các hội thi của ngành hoặc địa phương.
Trước khi vào nghề dạy học, Minh còn là diễn viên quần chúng của đoàn văn công tỉnh. Lợi thế này tạo cho Minh sự tự tin, mạnh dạn và khả năng hùng biện trước đám đông, có chất nghệ sĩ trong máu nên luôn được mời làm MC cho các hội thi, hội diễn. Năng khiếu đó giúp Minh vượt qua những khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động nghệ thuật cho trẻ.
Một lợi thế nghề nghiệp nữa mà Minh không ngừng khai thác là ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Kinh nghiệm thực tiễn mà Minh đúc rút được thì đây là một phương pháp dạy học hấp dẫn và hiệu quả.
LNhững hình ảnh nếu chỉ mô tả bằng lời sẽ khó hình dung, không cảlm nhận được nhưng khi giáo viên cho trẻ quan sát trên máy tính trẻ tiếp thu nhanh hơn.
Được quan sát quá trình phát triển của cây, con vật hay các loại côn trùng, trẻ thích thú vô cùng, tiếp thu bài học nhanh và nhớ lâu hơn. Nhờ vậy, những hình ảnh trong các bài thơ, câu chuyện kể của thầy Minh bao giờ cũng sinh động hơn hẳn vì trẻ được quan sát các nhân vật, trẻ được kích thích sự tò mò, hứng thú và ham hoạt động hơn so với cách giảng dạy bằng tranh ảnh bình thường.
Luôn tìm tòi, say mê học hỏi để sáng tạo trong mọi hoạt động chăm sóc dạy dỗ các em nhỏ, đồng thời tích cực áp dụng các phương pháp đổi mới, tìm ra những cách thức để thu hút học sinh nên với Minh một giờ quấn quýt với học trò hay cả quá trình dạy học lâu dài cũng không bao giờ bị rơi vào tâm trạng nhàm chán, mệt mỏi.
Chuyên tâm cống hiến hết mình cho công việc, bạn bè đồng trang lứa đã vợ con đuề huề, còn Minh vẫn tình trạng “độc thân vui tính”. Ngày Tết, mọi người lên kế hoạch du xuân đó đây, “chàng” thầy giáo vẫn ấp ôm những chương trình tham gia hoạt động thiện nguyện.

“Những người làm công việc này cần dành tâm huyết yêu nghề mến trẻ, có tình thương và sự đồng cảm, sẻ chia với nỗi khó khăn của gia đình trẻ khuyết tật. Đã chọn nghề thì hãy thực sự dấn thân, đặt vào công việc mình làm trọn vẹn cái tâm và đạo đức nghề nghiệp”.
Theo Quỳnh Chi
Xem thống kê điểm chuẩn lớp 10 5 năm liền
Bấm vào đây
------ Khoahocsupham.com ----- Trang tài liệu khoa học sư phạm ứng dụng

No comments:

Post a Comment

Cám ơn bạn đã phản hồi